Cuối tuần qua, Trung Quốc vừa chính thức thông xe hệ thống cầu kết hợp đường hầm vượt biển dài 24km nằm ở tỉnh Quảng Đông. Đây là cây cầu nối liền giữa Thâm Quyến và Trung Sơn, qua đó giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ 2 tiếng xuống chỉ còn 30 phút.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, đây là siêu công trình vừa phá vỡ 10 kỷ lục thế giới với nhiều thành tựu rất nổi bật. Ngay từ thời điểm mới khánh thành, công trình nhận được nhiều lời ca ngợi.
Cầu vượt biển Thâm Quyến - Trung Sơn vừa chính thức thông xe từ ngày 30/6 vừa qua (Ảnh cắt từ clip).Cửa sông Châu Giang nơi sông chảy vào biển Đông là một trong những khu vực đông dân nhất thế giới. Nơi này bao gồm Hong Kong, Macao, 9 thành phố tại tỉnh Quảng Đông bị ngăn cách bởi những vùng nước rộng. Điều này khiến việc di chuyển trở nên vô cùng khó khăn.
Sự ra đời của cầu vượt biển Thâm Quyến - Trung Sơn được thiết kế nhằm khắc phục điều này. Công trình dài 24km nối liền hai thành phố đúng theo tên gọi của nó nằm ở bờ đối diện cửa sông Châu Giang.
Tuy nhiên đây không phải là một cây cầu dài liên tục. Nó gồm một đường hầm vượt biển nằm dưới nước giữa 2 đảo nhân tạo cùng cầu nối mỗi đảo với thành phố ở cùng phía.
Cầu được thiết kế 8 làn đường, có tốc độ tối đa lên tới 100km/h. Như vậy khi di chuyển tại đây, tài xế có thể rút ngắn thời gian từ 2 tiếng như trước kia xuống chỉ còn 30 phút.
Sau 7 năm xây dựng, tuyến đường chính thức thông xe vào 15h ngày 30/6 theo giờ địa phương.
Choáng ngợp trước cầu vượt biển lập 10 kỷ lục thế giới của Trung Quốc (Nguồn video: CGTN).Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cho biết, cầu Thâm Quyến - Trung Sơn đã lập 10 kỷ lục thế giới. Một số kỷ lục tiêu biểu như sàn cầu cao nhất (91m); tốc độ kiểm tra sức cản gió cao nhất dành cho cầu treo (83,7 m/s); hầm ống chìm hai chiều 8 làn dài nhất, hầm ống chìm bê tông vỏ thép dưới nước rộng nhất (55,6 m)…
Trên cầu còn được thiết kế một số tính năng an toàn như hệ thống chữa cháy và xả khói mới. Ngoài ra, một đội ngũ gồm 14 robot liên tục tuần tra trong đường hầm, giám sát các đường ống và dây cáp nhằm đảm bảo vận hành mọi thứ trơn tru. Thậm chí đội ngũ tinh nhuệ này có thể để mắt tới các vụ tai nạn giao thông.
Đảo nhân tạo là một phần của liên kết Thâm Quyến - Trung Sơn mới của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).Khi tai nạn xảy ra, robot sẽ điều hướng giao thông qua loa tích hợp và quay các cảnh phim tại hiện trường rồi truyền tới trung tâm điều khiển từ xa.
Hệ thống đèn dọc theo tường cũng phân chia thành các màu tùy từng trường hợp. Nếu giao thông lưu thông ổn định, đèn giữ màu xanh. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng chuyển sang màu đỏ. Thậm chí, đèn có thể chuyển dần từ vàng sang xanh dọc theo chiều dài đường hầm giúp hướng dẫn tài xế, hành khách đi đúng hướng trong quá trình sơ tán.
Cầu nối Thâm Quyến - Trung Sơn nối liền với cây cầu vượt biển dài nhất thế giới chỉ nằm cách đó khoảng 31km. Đó là cầu Hong Kong - Chu Hải - Macao.
Với hệ thống giao thông này, chính quyền các địa phương hy vọng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế và du lịch.
Đường hầm dưới biển có hệ thống đèn màu dọc theo các bức tường, báo tín hiệu giao thông hoặc điều hướng mọi người thoát ra ngoài trong tình huống khẩn cấp (Ảnh: Xinhua).Ông Lee, một người dân sinh sống tại Hong Kong, cho rằng khi tuyến đường di chuyển được rút ngắn xuống chỉ còn 30 phút, tương lai nhiều người về hưu ở Hong Kong sẽ tới Trung Sơn sinh sống vì thành phố này có chi phí sinh hoạt thấp hơn.